Chế độ hỗ trợ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp
* Câu hỏi:
Tôi nhận chăm sóc một bé gái 12 tuổi, không có cha, và người mẹ vừa qua đời. Xin hỏi đối với trường hợp của cháu thì nhà nước có chế độ hỗ trợ thế nào? Nếu sau này tôi muốn nhận nuôi cháu thì có được không?
(Trương Thị Hiền)
* Ý kiến tư vấn:
Trường hợp của cháu bé, nếu không còn ai là người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng thì được coi là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng.
Theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện này gồm:
a) Trẻ em có cả cha, mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
c) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
d) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Khi cháu được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại hộ gia đình thì được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước, theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch số 19/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính như sau:
1. Tiền ăn: Mức 40.000 đồng/người/ngày.
2. Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện như sau:
a) Trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng;
b) Đối với đối tượng không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không còn thân nhân được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo.
3. Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thực tế và phù hợp với giá trên địa bàn cùng thời điểm.
Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời là không quá 03 tháng.
Về nguyện vọng của bạn muốn nhận cháu bé làm con nuôi, cần đáp ứng các điều kiện của người nhận con nuôi được quy định tại Luật Nuôi con nuôi như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Bạn cần liên hệ UBND cấp xã nơi thường trú của bạn hoặc của cháu bé để được xem xét, giải quyết.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng