10/05/2016 16:21        

Khiếu kiện khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Khiếu kiện khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

* Câu hỏi:
Xin cho biết những trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? Trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng, người lao động muốn khiếu nại thì liên hệ đến đâu? 
Hoàng Mỹ Giang (Diên Toàn, Diên Khánh)

* Ý kiến tư vấn:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng các thỏa thuận đã giao kết.
Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, pháp luật quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; 3 ngày làm việc đối với trường hợp bị ốm đau, tai nạn đã điều trị thời gian dài liên tục như nói trên đây mà chưa hồi phục và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Pháp luật cũng quy định người sử dụng lao động không được sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp:
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (Trừ trường hợp quy định tại điểm b nêu trên).
2. Người lao động đang nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Lao động nữ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ luật lao động, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. Nói chung tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết, tuy nhiên có một số loại tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, trong đó có tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. 
Bạn có thể tham khảo các lý do dẫn đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên để có hướng xử lý phù hợp. 

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 111757