13/04/2016 09:51        

Những ai được trợ giúp pháp lý?

Những ai được trợ giúp pháp lý?

* Câu hỏi:
Tôi được biết Nhà nước có tổ chức bộ máy để thực hiện trợ giúp pháp lý. Xin hỏi phạm vi trợ giúp pháp lý và những người thuộc diện nào được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý của Nhà nước?
Nguyễn Thị Hoa (Diên Khánh)

* Trả lời:
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Việc trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện trong phạm vi: Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; vụ việc trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác chuyển đến. Đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký được Sở Tư pháp cấp phép.
Các hình thức trợ giúp pháp lý gồm tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác. 
Đối tượng được trợ giúp pháp lý được Chính phủ quy định tại các Nghị định 07/2007/NĐ-CP và 14/2013/NĐ-CP, gồm có:
1. Người nghèo, thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật. 
2. Người có công với cách mạng, gồm: 
- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
- Bệnh binh;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
- Người có công giúp đỡ cách mạng;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
3. Người già từ đủ 60 tuổi trở lên, sống cô đơn, không có nơi nương tựa.
4. Người khuyết tật bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa. 
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.
6. Người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
7. Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
8. Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 1643392