14/03/2016 16:03        

Có thể chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân?

Có thể chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân?

* Câu hỏi:
Tôi phải nuôi mẹ của mình già yếu, đau bệnh, do chi phí nhiều và thời gian kéo dài, tôi muốn chia một phần tài sản chung của vợ chồng để trang trải. Xin hỏi pháp luật quy định việc này thế nào, có phải sau khi chia là tôi có quyền sử dụng ngay tài sản đó không? Sau thời gian chia tôi muốn nhập lại thành tài sản chung được không? 
Trần Lệ Quyên (Vạn Ninh)

* Ý kiến tư vấn:
Bạn có thể thỏa thuận với chồng mình để chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, việc này đã được Luật Hôn nhân và gia đình ghi nhận.
Luật chỉ hạn chế, và việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ như: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. 
Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được để chia tài sản chung thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. 
Bạn được quyền định đoạt tài sản của mình tại thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung. Vấn đề này được pháp luật quy định cụ thể như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. 
- Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung đó. Hình thức của thỏa thuận này cũng phải lập thành văn bản, được công chứng như khi thỏa thuận về việc chia tài sản chung. Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 576602