03/03/2016 10:25        

Bồi thường thiệt hại trong quan hệ giúp việc gia đình

Bồi thường thiệt hại trong quan hệ giúp việc gia đình

* Câu hỏi:
Trong khi thực hiện công việc giúp việc gia đình tôi có làm hỏng vật dụng của chủ nhà. Tôi đã giải thích việc này có phần sơ suất của tôi nhưng cũng do khách quan nữa, nhưng chủ nhà vẫn yêu cầu tôi phải bồi thường bằng tiền. Tôi gặp khó khăn vì khả năng về kinh tế. Xin cho biết về phương diện luật pháp quy định việc này thế nào? 
Đỗ Phương Lan (Phước Long, Nha Trang)

* Ý kiến tư vấn:
Vấn đề trách nhiệm bồi thường của người lao động được quy định tại Bộ luật lao động. Phạm vi lao động giúp việc gia đình được Chính phủ quy định tại Nghị định 27/2014/NĐ-CP và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Theo các văn bản pháp luật này, vấn đề bạn hỏi được xem xét giải quyết theo hướng sau đây:
Về nguyên tắc, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 
Trường hợp người lao động do sơ suất gây thiệt hại cho người sử dụng lao động với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động bằng hình thức khấu trừ tiền lương hàng tháng. Mức khấu trừ do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động không phải do sơ suất hoặc gây thiệt hại với giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc thì người sử dụng lao động căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế, hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động để xem xét, quyết định mức bồi thường, thời hạn bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại. Trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định của người sử dụng lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc bồi thường thiệt hại của người lao động trong trường hợp này phải làm thành văn bản cam kết bồi thường, trường hợp người lao động không biết chữ thì việc lập văn bản cam kết bồi thường được thực hiện như việc ký hợp đồng lao động với người không biết chữ theo quy định. Văn bản cam kết bồi thường được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản. 
Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
 

  • Mùa nào thức nấy
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm ngồi tám chuyện: - Bước vô mùa nắng nóng là lại gặp mấy chuyện phiền toái, nào là đi hứng từng xô nước; rồi cúp điện, rồi bụi bay mù trời…
  • Bí quyết
    06/08/2024
    Hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau: - Nhìn chị lúc nào cũng tươi vui. Bí quyết là gì thế?
  • Ý kiến
    06/08/2024
    Nhân viên mới trò chuyện với nhân viên cũ sau cuộc họp: - Sếp mình nói, là mai mốt chúng ta họp nội bộ cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, không có gì phải ngại hết. Tốt quá anh ha…
Số lượt truy cập: 112354