02/04/2021 14:29        

Quyền của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

 

          Nội dung câu hỏi:

          Chúng tôi được biết Nhà nước mới có văn bản quy định về hoạt động hòa giải và đối thoại. Xin cho biết trường hợp nào thì tổ chức hòa giải, trường hợp nào thì đối thoại. Nếu người tham gia trong vụ kiện không chịu hòa giải thì phải làm thế nào?

                                                                              (Câu hỏi của bạn Lê Hải Nguyệt)

           

          Ý kiến tư vấn:

          Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo Luật này, hoạt động hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

          Hòa giải, với đối thoại tại Tòa án được phân biệt như sau:

          Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật.

          Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật.

          Tại Điều 8 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó quyền của các bên được xác định bao gồm:

a) Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

b) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này tham gia hòa giải, đối thoại;

c) Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

d) Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

e) Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

g) Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

h) Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

i) Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

k) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật này.

          Các quy định nói trên cho thấy các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại, có thể đồng ý hoặc không đồng ý tham gia hòa giải, đối thoại. Trường hợp một bên hoặc các bên không đồng ý tham gia hòa giải, đối thoại thì sẽ không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong trường hợp này vụ án sẽ được Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục chung./.

                                                                      Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

 

 

  • Tiếc
    16/04/2024
    Một ông nổi tiếng keo kiệt phải cấp cứu vì ăn nhầm nấm độc. Sau khi được bác sỹ rửa ruột, tiêm thuốc, ông ta hồi tỉnh lại. Trước khi cho xuất viện, báo sỹ hỏi:
  • Giải đáp
    16/04/2024
    Bà vợ hỏi ông chồng: - Tại sao người ta chọn Giờ Trái đất vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm ông nhỉ?
  • Món ngon
    16/04/2024
    Hai bợp nhậu ngồi tám chuyện: - Đố ông, trong các món mồi nhậu, con gì ngon nhất?
Số lượt truy cập: 528897