28/01/2019 03:00
|
Quyền giám sát việc thực hiện pháp luật lao động
Quyền giám sát việc thực hiện pháp luật lao động
Nội dung câu hỏi: Chúng tôi được thông tin nhà nước có quy định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại doanh nghiệp. Xin cho biết nội dung của hoạt động kiểm tra này, và đối với người lao động được tham gia vào quá trình kiểm tra này thế nào?
(Câu hỏi của bạn Lê Đức Hạnh)
Ý kiến tư vấn: Tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động (tự kiểm tra) là hoạt động tự thu thập, phân tích, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động tại nơi sản xuất, kinh doanh. Theo Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nội dung tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp gồm: a) Việc thực hiện báo cáo định kỳ; b) Việc tuyển dụng và đào tạo lao động; c) Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; d) Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; đ) Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; e) Việc trả lương cho người lao động; g) Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; h) Việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, lao động là người nước ngoài; i) Việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất; k) Việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia; l) Việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động; m) Nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết. Thành phần đoàn tự kiểm tra gồm: đại diện người sử dụng lao động làm trưởng đoàn; thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động; đại diện người lao động và thành phần khác có liên quan do người sử dụng lao động tự quyết định. Người sử dụng lao động phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động theo quy định. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác trong báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến; đảm bảo đúng thời hạn báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở để thực hiện các kiến nghị, phản hồi của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động theo nội dung báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến; giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có quyền tham gia đoàn tự kiểm tra thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp và báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến của người sử dụng lao động; giám sát người sử dụng lao động thực hiện các kiến nghị của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động theo nội dung báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
|
|
|
|
|
|