08/10/2018 04:06
|
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực y tế năm 2018
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực y tế năm 2018
Thực hiện Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch bổ sung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2018 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2018 là điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động, thương binh và xã hội. Trong năm 2018, Sở Y tế Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế như sau:
Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật Sở Y tế quan tâm chỉ đạo các phòng chức năng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc có kế hoạch chủ động phối hợp với các tổ chức và cá nhân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở. Để tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế kịp thời tiếp cận các chính sách, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế; tổng số 28 lớp với 2.536 lượt người tham dự, cụ thể: - 01 lớp tập huấn Luật Dược năm 2016, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng số 814 lượt người tham dự; - 27 lớp tập huấn triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.722 lượt người tham dự; - Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình thực hiện chuyên mục Sức khoẻ cho cộng đồng (mỗi tuần 01 kỳ); giải đáp chuyên mục sức khỏe cho Nhân dân trên Báo Khánh Hòa; Phát hành bản tin y tế: 01 kỳ/1tháng, cung cấp miễn phí cho các cơ quan, đơn vị trong Ngành; số tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật về dược, an toàn thực phẩm được phát hành: 2.464 tài liệu; Thường xuyên cập nhật, đưa lên mạng internet những nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lĩnh vực y tế, sức khoẻ...
Khó khăn, hạn chế và đề xuất, kiến nghị Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực y tế đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, dược và an toàn thực phẩm, từng bước đi vào ổn định nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở còn vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh; dược tư nhân và an toàn thực phẩm, cụ thể (từ ngày 01/10/2017 đến ngày 31/7/2018): có 27 cơ sở vi phạm hành chính, trong đó có 11 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, 14 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và 02 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là 240.350.000 đồng. Nội dung các vi phạm hành chính chủ yếu là can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh; bán thuốc cao hơn giá kê khai do đối tượng có trách nhiệm phải kê khai giá thuốc theo quy định của pháp luật; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; hoạt động không đúng địa điểm ghi trong giấy phép hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính: Do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhận thức chưa đầy đủ về nghĩa vụ thi hành pháp luật của các đối tượng vi phạm pháp luật. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong y tế trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện đồng bộ những đề xuất, kiến nghị như: sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP để phù hợp với các quy định về hành nghề dược và hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân hiện hành; bổ sung chế tài xử lý hành vi vi phạm của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; đề nghị Bộ Y tế xem xét lại nội dung công văn số 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018, theo đó, việc điều trị nội trú tại các phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) được thực hiện đến hết ngày 31/01/2018. Tuy nhiên, việc điều trị nội trú tại các PKĐKKV hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn được thực hiện hiệu quả, một số PKĐKKV có công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100%. Mặt khác, quy định trên không phù hợp quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh của địa phương (01 huyện không thể có 2-3 bệnh viện đa khoa nếu chuyển đổi PKĐKKV theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh). Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu việc điều trị nội trú tại các PKĐKKV được thực hiện đến hết ngày 31/01/2018 và thời gian để thực hiện 02 phương án đầu tiên đến hết ngày 30/6/2018. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2018 đến ngày 30/6/2018 thì các PKĐKKV hoạt động theo mô hình nào trong khi chỉ tiêu giường điều trị nội trú của UBND tỉnh vẫn có hiệu lực? Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông báo không thanh toán chi phí điều trị nội trú tại các PKĐKKV kể từ ngày 01/02/2018. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu bảo hiểm y tế, đến công tác khám chữa bệnh của người dân và làm quá tải các bệnh viện tuyến trên.
Lệ Phượng
|
|
|
|
|
|