Nội dung câu hỏi:
Tôi có một thửa đất nông nghiệp và một thửa đất ở đô thị, có diện tích lớn, tôi muốn xin tách thửa ra để bán một phần. Xin cho biết các quy định về điều kiện để được tách thửa đất ở địa phương tỉnh Khánh Hòa?
(câu hỏi của bạn Nhật Lệ)
Ý kiến tư vấn:
UBND tỉnh có các Quyết định: 32/2014/QĐ-UBND, 13/2015/QĐ-UBND, 30/2016/QĐ-UBND và 23/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi xin trích nêu một số nội dung như sau:
1. Đối với đất ở đô thị, thửa đất được phép tách thửa phải đồng thời đảm bảo các yêu cầu về diện tích và kích thước tối thiểu như sau:
a) Thửa đất tiếp giáp với đường phố có lộ giới ≥ 20m:
+ Diện tích của thửa đất ≥ 45 m2;
+ Bề rộng của thửa đất ≥ 5 m;
+ Chiều sâu của thửa đất ≥ 5 m.
b) Thửa đất tiếp giáp với đường phố có lộ giới từ 10m đến < 20 m:
+ Diện tích của thửa đất ≥ 36 m2;
+ Bề rộng của thửa đất ≥ 4 m;
+ Chiều sâu của thửa đất ≥ 4 m.
c) Thửa đất nằm tiếp giáp hẻm, đường nội bộ có lộ giới < 10 m:
+ Diện tích của thửa đất ≥ 36 m2;
+ Bề rộng của thửa đất ≥ 3 m;
+ Chiều sâu của thửa đất ≥ 3 m.
2. Đối với đất ở tại nông thôn, thửa đất được phép tách thửa phải đồng thời đảm bảo các yêu cầu về diện tích và kích thước tối thiểu như sau:
a) Thửa đất tiếp giáp đường quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, liên thôn, liên xã:
+ Diện tích của thửa đất ≥ 45 m2;
+ Bề rộng của thửa đất ≥ 5 m;
+ Chiều sâu của thửa đất ≥ 5 m.
b) Đối với các đảo:
+ Diện tích tối thiểu là 40m2;
+ Bề rộng của lô đất ≥ 4m;
+ Chiều sâu của lô đất ≥ 4m.
c) Các khu vực khác còn lại.
+ Diện tích của thửa đất ≥ 60 m2.
+ Bề rộng của thửa đất ≥ 5 m;
+ Chiều sâu của thửa đất ≥ 5 m.
Trường hợp thửa đất có nhiều cạnh, hình dạng phức tạp khi tách thửa đủ diện tích của lô đất nhưng không đủ bề rộng, chiều sâu của lô đất theo quy định thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
3. Đối với đất nông nghiệp, điện tích tối thiểu được quy định:
a) Đất trồng lúa
- Vùng tập trung: 1000 m2;
- Vùng phân tán: 500 m2.
b) Đất trồng cây hàng năm khác
- Vùng tập trung: 2000 m2;
- Vùng phân tán: 300 m2.
c) Đất trồng cây lâu năm
- Vùng tập trung: 1000 m2;
- Vùng phân tán: 200 m2.
d) Đất làm muối
- Vùng tập trung: 5000 m2;
- Vùng phân tán: 500 m2.
đ) Đất nuôi trồng thủy sản
- Nước ngọt: 100 m2;
- Nước mặn, lợ: 5000 m2.
e) Đất rừng sản xuất
- Khu vực đô thị: 1000 m2;
- Khu vực nông thôn: 5000 m2.
Diện tích các loại đất nói trên đây là điện tích sau khi trừ diện tích đất phải thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai.
Đối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, việc tách thửa phải căn cứ quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo mục đích chính. Trường hợp thửa đất đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, thì người sử dụng đất được thực hiện đồng thời việc chuyển mục đích và tách thửa phần diện tích xin chuyển mục đích sử dụng sẽ được tách thửa theo diện tích, kích thước cạnh tối thiểu đối với đất ở; đối với phần diện tích còn lại (không chuyển mục đích) phải đảm bảo điều kiện tách thửa theo quy định về diện tích và kích thước tối thiểu của loại đất đã được quy hoạch do cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Người sử dụng đất phải bố trí diện tích để làm đường đi vào các thửa đất rộng tối thiểu là 03m và phải được UBND cấp huyện phê duyệt.
UBND tỉnh cũng quy định các trường hợp không được tách thửa, gồm:
1. Thửa đất xin tách thửa đã có quyết định thu hồi đất hoặc có văn bản về chủ trương thu hồi đất hoặc văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai.
2. Thửa đất đang có tranh chấp và đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
3. Thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan có thẩm quyền niêm phong tài sản để thực hiện bản án có hiệu lực của Tòa án.
4. Thửa đất do cơ quan có thẩm quyền giao hoặc cho người sử dụng đất thuê để thực hiện dự án nhưng người sử dụng đất không thực hiện đầu tư dự án.
5. Thửa đất sau khi tách thành thửa đất mới sẽ không có đường đi.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng