24/09/2018 01:55
|
Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư
Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư
Nội dung câu hỏi: Xin cho biết một số nội dung của quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vừa được Nhà nước ban hành. Đối với địa phương đã có hương ước được xây dựng và đang thực hiện ổn định tại cộng đồng nhiều năm nay thì sẽ được xử lý thế nào?
(Câu hỏi của bạn Hồng Thuận)
Ý kiến tư vấn: Ngày 08/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Theo Quyết định này, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và tương đương (gọi chung là thôn, tổ dân phố) tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm các mục đích: a) Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. b) Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải bảo đảm nguyên tắc: 1. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. 2. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. 3. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. 4. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới. 5. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Về phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước được quy định: Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện). Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư. Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận. Hương ước, quy ước phải được UBND cấp huyện công nhận, và có giá trị thi hành kể từ ngày có quyết định công nhận. Hương ước, quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt trước đây (theo Chỉ thị 24/1998/CT-TTg) phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì được tiếp tục thi hành; nếu không phù hợp với các nguyên tắc quy định hoặc không đúng thẩm quyền công nhận thì phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc tiến hành thủ tục công nhận trước ngày 31/12/2018. Các hương ước, quy ước chưa được công nhận phải được tiến hành thủ tục công nhận theo quy định. Việc chọn tên gọi “Hương ước” hay “Quy ước” do cộng đồng dân cư quyết định.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
|
|
|
|
|
|