Hỏi: Người thân của tôi ra nước ngoài định cư đã lâu, nay muốn về sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Khi người đó đến Công an phường làm thủ tục đăng ký thường trú vào địa chỉ nhà tôi thì được Công An phường hướng dẫn đến Sở Tư pháp làm giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Xin hỏi pháp luật quy định việc cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Hoàng Hoa – tp.Nha Trang
Trả lời: Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người yêu cầu cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ. Như vậy, người thân của bạn có thể nộp hồ sơ tại quầy Sở Tư pháp ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 31 Nghị định 16/2020/NĐ-CP (được bổ sung tại Điều 4 Nghị định số 07/2025/NĐ-CP), cụ thể như sau:
*Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ, gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau:
- Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định nêu trên, người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 16/2020/NĐ-CP để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam.
*Trình tự kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp đang sinh sống trong nước được thực hiện như sau:
+ Đối với trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan đã cấp giấy tờ đó tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.
+ Đối với trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nhưng có giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp chủ động tra cứu hoặc đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.
Đồng thời, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh về nhân thân của người có yêu cầu; trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.
* Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh của Bộ Tư pháp, nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; người đứng đầu Sở Tư pháp ký và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu.
Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
Luật gia Đặng Hữu Tý