Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 12/5/2023 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, khắc phục những sai sót, vi phạm và hạn chế phát sinh những sai phạm phải xử lý hình sự (nếu có); tiếp tục thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật về công chứng và Đề án 2340 của UBND tỉnh; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản số 236/BTTP-CC, TPL ngày 27/02/2023 của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp và văn bản số 1246/BTP-BTTP ngày 04/4/2023 của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động công chứng nói riêng, kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm.
- Phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan Thuế để xử lý nghiêm hành vi công chứng khống, hành vi thông đồng với khách hàng để công chứng không đúng giá mua bán, chuyển nhượng, nhất là đối với các hợp đồng mua bán phương tiện giao thông, đất đai, nhà ở;
Ảnh: BCH Hội Công chứng viên mới ra mắt
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các cấp trong việc xử lý hành vi quảng cáo, đăng tin không chính xác, lừa dối người dân, doanh nghiệp trong hoạt động công chứng.
- Phối hợp với UBND các cấp trong việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn; kịp thời thông tin, phản ánh về hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên không đúng quy định để có biện pháp xử lý.
- Phối hợp với Hội Công chứng viên, cơ quan liên quan để chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trích tiền hoa hồng trái quy định cho người yêu cầu công chứng.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khi thực hiện việc niêm yết văn bản phân chia tài sản thừa kế thực hiện đúng quy định tại Điều 18 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, không yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng phải nộp toàn bộ hồ sơ.
2. Sở Tư pháp:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động công chứng; kết hợp kiểm tra việc chấp hành thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 23/8/2022).
- Đảm bảo việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập các Văn phòng công chứng phải đúng quy định tại Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của UBND tỉnh quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo minh bạch, khách quan, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
- Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng và thông tin ngăn chặn để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng, từng bước thực hiện việc liên thông cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu về dân cư.
- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành Quy chế khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
- Cập nhật ngay khi có phát sinh, thay đổi các thông tin về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trên phần mềm quản lý tổ chức hành nghề công chứng của Bộ Tư pháp.
- Tăng cường phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh trong việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hành nghề công chứng nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng cho công chứng viên.
- Xem xét, rà soát kỹ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, đảm bảo người được đề nghị bổ nhiệm làm công chứng viên có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để thực hiện công tác quản lý nhà nước theo quy định.
- Thường xuyên tổ chức họp giao ban với Hội Công chứng viên, đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, đại diện cơ quan liên quan trên địa bàn theo tháng hoặc theo quý để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động công chứng.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và liên thông chia sẽ với Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng và thông tin ngăn chặn của Sở Tư pháp theo lộ trình, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
4. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Tư pháp và UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức Tư pháp huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
5. Sở Tài chính:
Kịp thời phối hợp, tạo điều kiện để Sở Tư pháp đảm bảo kinh phí thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, nhất là công chứng.
6. Hội Công chứng viên tỉnh:
- Tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò tự quản của Hội Công chứng viên trong việc thường xuyên, chủ động giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; kịp thời phát hiện các sai sót, vi phạm, tiêu cực…; kiên quyết xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, Điều lệ của Hiệp Hội công chứng viên Việt Nam.
- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về Hội và pháp luật về công chứng. Giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Lệ Phượng