UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Công văn số 3355/UBND-KSTT ngày 18/4/2022 về tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên lĩnh vực Cư trú, Căn cước công dân, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Trước đó, ngày 25/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 10695/QĐ-BCA về việc phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an năm 2022 (gồm 224 thủ tục trong đó 180 thủ tục trực tuyến mức độ 4, 44 thủ tục trực tuyến mức độ 3). Theo thống kê, đến ngày 15/3/2022, trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiếp nhận và giải quyết 35 thủ tục thuộc Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an thuộc nhóm đăng ký, quản lý cư trú và cấp, quản lý căn cước công dân (24 thủ tục); nhóm quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu (11 thủ tục) thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an.
Để tiếp tục củng cố, tăng cường sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo lực lượng tập trung các điều kiện bảo đảm tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến theo quy định. Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực, phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả công tác đăng ký quản lý cư trú; thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, công tác bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” làm cơ sở để công dân có điều kiện tốt nhất về thông tin trong thực hiện các thủ tục thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đưa tin, bài, phóng sự liên quan, tập trung đăng tải, dành thời lượng phát sóng tuyên truyền, nhất là ý nghĩa của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến về Cư trú, Căn cước công dân, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phương thức tiếp cận dịch vụ, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn kịp thời nắm bắt, tiếp cận với phương thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để cập nhật, chỉnh sửa thông tin về dân cư.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện tăng cường phổ biến đến các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực Cư trú, Căn cước công dân, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu để toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức biết, tuyên truyền triển khai thực hiện và phối hợp hiệu quả trong công tác.
H.Dương