Một trong 06 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính là cải cách thể chế, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); ban hành quy định và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
Để tiếp tục duy trì và cải thiện thứ hạng cải cách thể chế góp phần cải thiện về điểm số, nâng cao thứ hạng đối với công tác cải cách hành chính của tỉnh Khánh Hòa thì việc không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức cần thiết.
(Ảnh minh họa)
+ Thực trạng công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; theo dõi thi hành pháp luật
Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL: thời gian qua, tiếp tục triển khai thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 63/2020/QH14), các sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã có sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy và văn bản QPPL của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Sở Tư pháp thường xuyên tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng văn bản QPPL giúp các sở, ngành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các bước lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, soạn thảo dự thảo văn bản, đồng thời tham gia góp ý, thẩm định đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định (năm 2021 đã góp ý 34 hồ sơ các loại, thẩm định 58 hồ sơ, gồm 05 hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, 26 dự thảo Nghị quyết, 27 dự thảo Quyết định).
Các văn bản của HĐND, UBND tỉnh ban hành phần lớn tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường; chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phí, lệ phí, giá dịch vụ, .. và đã thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của các Chương trình kinh tế lớn của tỉnh Khánh Hòa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao thứ hạng và điểm số trong các Bộ chỉ số đo lường năng lực điều hành, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương.
Kết quả theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật việc triển khai thực hiện các văn bản QPPL luôn được UBND tỉnh quan tâm, kịp thời chỉ đạo quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng theo quy định. Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên đăng tải nội dung các văn bản QPPL mới để mọi đối tượng dễ dàng truy cập, tìm hiểu, đảm bảo các văn bản pháp luật được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
+ Bên cạnh đó vẫn còn hạn chế, bất cập
- Các sở, ngành thuộc tỉnh chưa thành lập được phòng pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ vì chưa bố trí được biên chế. Công tác pháp chế tại các sở, ngành hầu hết là kiêm nhiệm. Hiện nay, số lượng cán bộ pháp chế và người làm công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật ở các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
- Hiện chưa có quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những nguời làm công tác pháp chế nói chung đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và người quản lý công tác pháp chế tại Sở Tư pháp nên chưa thu hút sự tích cực tham gia hoạt động cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong quá trình hoạt động.
- Trong hoạt động xây dựng dự thảo văn bản QPPL, một số cơ quan soạn thảo còn thiếu rà soát, đối chiếu với quy định của cấp trên, thiếu khâu điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá tình hình thực tế.
- Cán bộ pháp chế do kiệm nhiệm nên tính chuyên nghiệp chưa cao: có kiến thức chuyên ngành, kiến thức quản lý nhà nước nhưng thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, kỹ năng soạn thảo văn bản, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế.
- Các hình thức theo dõi thi hành pháp luật còn đơn điệu, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật đôi khi còn mang tính hình thức, rập khuôn qua các năm. Nhiều đơn vị gửi báo cáo với nội dung sơ sài, không đạt yêu cầu...gây khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo chung.
+ Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật thời gian tới cần có giải pháp và đề xuất, kiến nghị sau
- Về giải pháp: Xây dựng và ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân công, phân cấp của Trung ương quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ pháp chế tại các sở, ngành, cán bộ xây dựng văn bản tại Sở Tư pháp, UBND cấp huyện; Kiện toàn bộ máy pháp chế tại địa phương, đảm bảo cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh phải có phòng pháp chế hoặc cán bộ pháp chế chuyên trách; Rà soát, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành các văn bản QPPL của HĐND, UBND, trong đó bảo đảm thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động của chính sách trong quy trình xây dựng Nghị quyết, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu ban hành chính sách, văn bản QPPL; Tập trung thực hiện rà soát văn bản QPPL hàng năm và định kỳ; công bố đầy đủ danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực hoặc ngưng hiệu lực hàng năm làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản QPPL đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống văn bản QPPL.
+ Đề xuất, kiến nghị: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về lĩnh vực xây dựng văn bản QPPL (như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ...); Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ có giải pháp để giúp địa phương thành lập các phòng pháp chế. Trước mắt, trong bối cảnh khó khăn về biên chế, cần tập trung thành lập Phòng pháp chế tại một số cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành văn bản về tài chính, đầu tư, tài nguyên, xây dựng gồm Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành chế độ chính sách thỏa đáng cho những người làm công tác pháp chế tại các sở, ngành, cán bộ làm công tác xây dựng văn bản, theo dõi thi hành pháp luật tại Sở Tư pháp, UBND cấp huyện tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao; Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ về công tác pháp chế, công tác xây dựng văn bản QPPL, theo dõi thi hành pháp luật cho địa phương nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị.
Văn Dũng