Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư, thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư.
Theo đó, Nghị định này quy định, từ ngày 05/3/2020, khi ký ban hành văn bản hành chính bằng giấy, thì phải dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai. Trong khi đó, trước đây Nghị định 110/2004/NĐ-CP chỉ quy định khi ký không được dùng bút chì, không dùng mực đỏ hoặc mực dễ phai, dẫn đến người ký văn bản có thể dùng mực đen,…
Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền sẽ thực hiện ký số.
Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)Các loại văn bản hành chính
Nghị định nêu khái niệm văn bản hành chính là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, sửa đổi quy định về các loại văn bản hành chính, cụ thể bỏ: bản cam kết, giấy chứng nhận, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ ra khỏi danh sách các loại văn bản hành chính. Theo đó, văn bản hành chính gồm: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
Lệ Phượng