Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Đây là mục đích của Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính của tỉnh Khánh Hòa năm 2019 vừa được ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành ngày 28/01/2019.
Ảnh minh họa
Kế hoạch yêu cầu các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính phải phù hợp với quy định của Luật TGPL năm 2017 và văn bản pháp luật liên quan, đồng thời phải cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của người khuyết tật, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan, tổ chức về người khuyết tật trong quá trình triển khai thực hiện.
Các hoạt động cụ thể của kế hoạch bao gồm:
- Truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (ngày 18/4) và ngày Người khuyết tật thế giới (ngày 03/12) trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông khác;
- Cung cấp Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, trong đó có nội dung trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Hội người khuyết tật, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật…
- Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, UBND các xã, phường, thị trấn, Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức khác của người khuyết tật và tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức này để phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý và giới thiệu người khuyết tật có khó khăn về tài chính đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, trong đó chú trọng tư vấn chính sách đặc thù dành cho người khuyết tật và thực hiện việc tham gia tố tụng, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng…