26/06/2017 14:25        

Cần lập di chúc nhưng không được công chứng?

Cần lập di chúc nhưng không được công chứng?

Nội dung câu hỏi:
(Câu hỏi của bạn Võ Đình)
Tôi có thửa đất, trên đó có căn nhà tạm, khi mua chủ đất chưa có giấy tờ về nhà đất nên nay tôi vẫn chưa làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận được. Do công việc gia đình, tôi muốn làm di chúc để lại nhà đất này cho đứa cháu, nhưng cả chính quyền phường và công chứng đều không chịu ký. Tôi phải làm thế nào?

Ý kiến tư vấn: 
Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thuộc loại phải đăng ký. Do nhà đất của bạn chưa được cấp giấy chứng nhận nên các giao dịch liên quan đến tài sản này bị những hạn chế nhất định, trong đó có việc công chứng, chứng thực di chúc.
Tại Khoản 1 của Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch ghi nhận: “Người yêu cầu chứng thực nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây: 
a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;
c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.
Bản sao giấy tờ quy định tại Điểm b và Điểm c của Khoản này được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.”.
Theo Luật Công chứng, hồ sơ yêu cầu công chứng cũng đòi hỏi “Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó”.
Người có thẩm quyền từ chối chứng thực, công chứng di chúc của bạn do bạn đã không xuất trình được “Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng”. 
Quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật dân sự hiện hành, di chúc bằng văn bản có các loại: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Trong đó, đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung của di chúc, thể hiện tại Điều 631 của Bộ luật dân sự:
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
Pháp luật thừa nhận một bản di chúc hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định nêu trên. Bạn có thể từ quy định này để lập di chúc theo ý nguyện của mình.

(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)

 

  • Bao lâu?
    04/05/2024
    Một bà học lái ô tô nhưng rất khó tiếp thu. Một hôm bà hỏi giáo viên: - Tôi phải học bao lâu nữa thì lái được xe?
  • Hay
    04/05/2024
    Bà vợ vừa ra sân chung tập thể dục xong, quay vô bảo với chồng: - Từ nay khỏe rồi ông ơi, ra vô thoải mái mà không sợ giẫm phải “mìn”!
  • Sợ
    04/05/2024
    Hai ông bạn ngồi uống trà đọc báo, bỗng một ông lật đật đứng dậy định rời đi. Ông còn lại ngạc nhiên hỏi: - Đi đâu mà gấp gáp vậy ông?
Số lượt truy cập: 534489