Ngày 18/3/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2025). Theo đó, nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó;
- Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt;
- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;
- Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

(Nguồn: thuvienphapluat.vn)
Nguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó;
- Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn bị tước hoặc đình chỉ được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ;
- Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì thời hạn bị tước hoặc đình chỉ được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ;
- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;
- Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.
Tạm giữ, giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong xử phạt vi phạm hành chính
- Khi thi hành công vụ, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra thông tin về giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm từ các cơ sở dữ liệu, căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử theo quy định; nếu không thể kiểm tra được thông tin thì yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp phải áp dụng biện pháp tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm giao nộp bản giấy của giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định;
- Trường hợp phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì người có thẩm quyền xử phạt yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm giao nộp và giữ bản giấy của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, trừ trường hợp đã tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Việc giao nộp và giữ bản giấy của giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải lập thành biên bản và giao 01 bản cho cá nhân, người đại diện tổ chức vi phạm. Nếu đã lập biên bản tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì biên bản tạm giữ tiếp tục có giá trị cho đến hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Trường hợp giấy phép được cấp dưới dạng điện tử hoặc được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu thì cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện tạm giữ, tước trên môi trường điện tử theo quy định nếu đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin. Việc tạm giữ, tước quyền sử dụng được cập nhật trạng thái trên cơ sở dữ liệu hoặc căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử theo đúng quy định.
Lệ Phượng