
*. Cấp xã không còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025 có nhiều điểm mới. Trong đó, điều 4 luật này quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp gồm 14 loại văn bản pháp luật, không còn 2 loại văn bản trong đó không còn nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã.
Như vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn. Mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng, ban hành Thông tư.
Đồng thời, quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật…
*. Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2025.
Theo đó, việc chi trả lương, thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phản ánh đúng mức độ đóng góp của người lao động và ban điều hành.
Quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp: Dựa trên mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, với điều kiện doanh nghiệp đã hoạt động đủ thời gian tối thiểu. Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp, thậm chí có thể áp dụng riêng cho từng lĩnh vực hoạt động nếu đủ điều kiện tách bạch các chỉ tiêu.
*. Quy định mới về phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã đặt ra những nguyên tắc, tiêu chí và định mức quan trọng trong việc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026-2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2025.
Nghị quyết quy định rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn: Từ các dự án cấp bách, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đến hoàn trả vốn ứng trước và thanh toán nợ đọng xây dựng. Các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và dự án PPP cũng được ưu tiên trong danh sách phân bổ. Việc xác định thứ tự này nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng chậm trễ hoặc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm.
Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026-2030. Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bổ vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
*. Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Nghị quyết 171/2024/QH15 năm 2024 quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (sau đây gọi là dự án thí điểm) trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp sau đây:
- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất;
- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất;
- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất;
- Dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở sản xuất, kinh doanh phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Nghị quyết 171/2024/QH15 năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2025 và được thực hiện trong 05 năm.
*. Chế độ bồi dưỡng đặc thù Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Ngày 14/02/2025, Thủ tướng ban hành Quyết định 04/2025/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng.
Theo đó, Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được bồi dưỡng 2.340.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Quyết định, chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng tại phiên điều trần được quy định cụ thể như sau:
- Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh tham gia phiên điều trần, thư ký phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
- Người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
- Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiếp đón khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
- Người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập đến phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Quyết định 04/2025/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.
BBT