Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 6622/KH-UBND ngày 19/6/2024).
Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu có tối thiểu 01 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở, tối thiểu 01 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hoà giải viên ở cơ sở; 100% tổ hòa giải ở cơ sở được kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hoà giải thành trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa đạt từ 85% trở lên; đối với các xã phường thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo, tỷ lệ này là trên 90%; có ít nhất 5% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “Cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.
Hình minh họa
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai Đề án đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên bằng các hình thức phù hợp. Căn cứ tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, chủ động lựa chọn 01 - 02 đơn vị cấp xã để thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm, ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức Tư pháp – Hộ tịch; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở,…
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo từng năm hoặc giai đoạn, bố trí kinh phí, nguồn lực và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này bảo đảm thiết thực, chấp lượng, hiệu quả, đúng quy định, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp./.
Ngô Thị Thanh Thơ