Bám sát chỉ đạo của tỉnh và huyện, duy trì thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kết hợp trang bị đầy đủ tài liệu, có chế độ đãi ngộ phù hợp…nhờ vậy, công tác hòa giải trên địa bàn huyện qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được kết quả tích cực.
Tập huấn nghiệp vụ hòa giải cho các tổ hòa giải trên địa bàn huyện năm 2022
Chú trọng nguồn lực
Ngay từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu triển khai thực hiện đúng hướng dẫn của cấp trên. Với quan điểm, để thực hiện Luật đạt hiệu quả cao nhất thì con người là yếu tố quan trọng và có tính quyết định. Từ đó, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức rà soát, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn theo đúng quy định tham gia tổ hòa giải ở cơ sở; bên cạnh đó, giao Phòng Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cùng với việc trang bị đầy đủ tài liệu, quan tâm bố trí kinh phí theo đúng quy định để các tổ hòa giải có điều kiện hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, 10 năm qua, Phòng Tư pháp đã triển khai nhiều hình thức như tập huấn bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức các Hội thi về hòa giải, tham mưu UBND huyện cấp kinh phí hơn 611 triệu đồng cho các tổ hòa giải (gồm các hoạt động tập huấn, cung cấp tài liệu, thù lao hòa giải viên, hỗ trợ tổ hòa giải…).
Phần thi tham gia Hội thi HGV giỏi năm 2023 của huyện Diên Khánh
Nhiều kết quả tích cực
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, đã có 563 lượt cán bộ, công chức (những người được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở) và 22.795 lượt người dân được tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở; thực hiện 715 lượt phát thanh trên hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở; đã có 5.474 lượt hòa giải viên được tập huấn và tiếp cận các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ (bản giấy và bản điện tử). Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên huyện Diên Khánh cung cấp “Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” cho 200 hòa giải viên trên địa bàn. Qua tuyên truyền, tập huấn đã giúp đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nắm vững kiến thức, kỹ năng hòa giải để vận dụng vào công việc.
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tạo điều kiện để các tổ hòa giải tham gia các Hội thi Hòa giải viên giỏi (năm 2016, 2021, 2023), tham gia cuộc thi Giải đáp tình huống dành cho các tổ hòa giải trên trang thông tin điện tử huyện năm 2017. Qua đó, giúp đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nắm vững kiến thức, cùng nhau trao đổi, tìm hiểu các tình huống thường gặp trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Theo báo cáo của UBND huyện, toàn huyện có 99 tổ hòa giải với 519 hòa giải viên phân bổ đều khắp 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải 980 vụ, trong đó có 820 vụ hòa giải thành, đạt tỷ lệ 83,67%.
Theo ông Huỳnh Văn Phi – Trưởng phòng Tư pháp huyện, xã hội phát triển thì trình độ dân trí cũng nâng cao hơn, đòi hỏi trình độ hiểu biết, năng lực thuyết trình, diễn đạt, liên hệ thực tế của hòa giải viên phải không ngừng được nâng lên. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, người dân tiếp cận được thông tin qua nhiều kênh. Do đó, khi thực hiện hòa giải các vụ việc cụ thể, hòa giải viên phải áp dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền miệng về các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Hòa giải ở cơ sở để không chỉ tác động đến đối tượng xảy ra tranh chấp mà còn với những người xung quanh. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện quan tâm công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên; rà soát, kiện toàn tổ hòa giải theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ở cơ sở đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, không làm phát sinh khiếu kiện, khiếu nại, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
H.Dương