Triển khai thực hiện Quyết định số 72/QĐ-CCN ngày 18/02/2022 của Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) về ban hành Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn kiểm tra, khảo sát của Cục Con nuôi tại địa phương năm 2022, ngày 24/5, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ do đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và thực hiện trách nhiệm chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội và kiểm tra công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà
Quang cảnh buổi làm việc tại Sở Tư pháp
Buổi sáng, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND huyện Diên Khánh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Gẩm – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo Văn phòng HĐND&UBND huyện, tập thể phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đoàn công tác làm việc tại UBND huyện Diên Khánh
Đoàn cũng đã kiểm tra việc ghi chép, bảo quản, lưu trữ hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi, kiểm tra việc cha mẹ nuôi thực hiện trách nhiệm thông báo tình hình phát triển của con nuôi và công tác thực hiện trách nhiệm theo dõi việc nuôi con nuôi của UBND cấp xã theo quy định của Điều 23 Luật Nuôi con nuôi; cũng như thực hiện trách nhiệm rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ em đang được giao cho các cá nhân, gia đình tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật. Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra 20 hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi của 05 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản thành phần hồ sơ đầy đủ, đúng quy định pháp luật, ngoài ra, Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp một số vướng mắc của địa phương trong hoạt động nghiệp vụ lĩnh vực nuôi con nuôi.
Thăm cơ sở trợ giúp xã hội
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thị Lan Phương – Giám đốc Sở Tư pháp và công chức phòng chuyên môn, đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Binh binh và xã hội, Công an tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh cùng đại diện các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 17 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em (trong đó: 04 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập) đang quản lý, nuôi dưỡng 487 trẻ em.
Việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ trẻ em vào cơ sở được thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục; cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được củng cố, kiện toàn, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Tất cả các cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em cần được nhận làm con nuôi đều được giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước và nước ngoài.
Việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho trẻ em được các cơ sở nuôi dưỡng chú trọng quan tâm, trẻ được học văn hóa, học các trường nghề, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh tùy theo khả năng của các trẻ. Ngoài ra, các cơ sở còn đầu tư sân chơi cho trẻ em, tổ chức các hoạt động sinh hoạt dã ngoại… đời sống tinh thần của trẻ luôn được đảm bảo.
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh xã hội đã tổ chức tập huấn hướng dẫn, đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc các cơ sở nuôi dưỡng rà soát, đánh giá nhu cầu trẻ em cần được nhận làm con nuôi, lập hồ sơ trẻ em và xin ý kiến cơ quan chủ quản, chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp để thông báo tìm gia đình trong nước nhận trẻ làm con nuôi nhằm hạn chế tình trạng người dân tự ý liên hệ cơ sở nuôi dưỡng, lựa chọn trẻ làm con nuôi.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã thông báo tìm gia đình thay thế cho 43 trường hợp (trong đó, 03 trường hợp đã tìm được gia đình thay thế trong nước); giải quyết 46 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đảm bảo đúng quy định pháp luật. Công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, từ 2017 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 183 trường hợp nuôi con nuôi trong nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở Lao động - Thương binh xã hội và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, việc thực hiện chăm sóc trẻ trong cơ sở nuôi dưỡng cũng như trong công tác nuôi con nuôi. Đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn cũng mong muốn địa phương sớm ký kết quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Lao động - Thương binh xã hội để công tác này thời gian tới đạt nhiều kết quả cao hơn, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đó, chiều ngày 23/5, Đoàn công tác đã phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tiến hành thăm và làm việc tại 03 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố Nha Trang, gồm cơ sở Thiện Tâm (xã Phước Đồng), cơ sở Hướng Dương (phường Phước Long) và cơ sở Phước Phúc (phường Phương Sài).
Hải Dương