Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; Quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; Áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính; Thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính; Một số biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính…
Ảnh minh họa
Theo quy định, hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế cho Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Minh Tân