Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022. Dự hội nghị có các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư. Tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa có đồng chí Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2021, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cả nước được thực hiện theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Ngoài những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn những hạn chế: Kết quả hoạt động một số lĩnh vực giảm so với năm 2020; còn tình trạng văn bản chậm ban hành; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
nhấn mạnh, ngành Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng thời thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII về 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế.
Năm 2022 tới, Thủ tướng yêu cầu ngành tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật có khả thi, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng viên trong hệ thống tư pháp. Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách tương xứng, hài hòa hợp lý với các ngành khác.
Ảnh: tại Điểm cầu Khánh Hòa.
NTV