Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”
Sáng ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban các sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
(Các đồng chí lãnh đạo: Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị)
Tại điểm cầu Khánh Hòa, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Ngọc Thanh, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Sở Tư pháp và các địa phương tham dự Hội nghị.
(Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa)
Qua 06 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được cũng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 Tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên, Số lượng thành viên của mỗi Tổ Hòa giải trung bình từ 05 – 07 hòa giải viên/tổ. Từ năm 2014 – 2019 tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80, 9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc. Đối với ngành Tòa án hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Sau 06 tháng triển khai hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Hải phòng đã ghi nhận tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ 76,2 % và gần 10 tháng mở rộng thực hiện thí điểm, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78, 08%.
Tại Khánh Hòa hiện nay có 984 tổ hòa giải với 5.089 hòa giải viên, Từ năm 2014 – 2019, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hòa giải 3.966 vụ, việc. Hòa giải thành 3.638 vụ, việc (đạt tỷ lệ 91,73%); hòa giải không thành 328 vụ, việc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban các sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá:
- Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan hòa giải và các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong hoạt động hòa giải nói riêng đã góp phần gìn giữ, phát huy đạo đức, văn hóa tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc. Tạo nguồn lực xã hội, vận động Nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam. Nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong hoạt động hòa giải nói riêng của các cấp ủy, chính quyền được nâng cao. Hòa giải từ hoạt động mang tính tự phát trong cộng đồng nhân dân đã trở thành hoạt động tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận, được người dân lựa chọn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.
- Thể chế, chính sách hòa giải cơ sở ngày càng hoàn thiện góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác này đi vào nề nếp và đạt hiệu quả. Hoạt động quản lý Nhà nước về hòa giải đã đi vào trọng tâm, trọng điểm. Mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được luật hóa và hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng quyền của các bên chắc chắn sẽ làm giảm số lượng các tranh chấp phải đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng.
- Hoạt động phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với cơ quan tư pháp cùng cấp đã có sự chuyển biến tích cực. Các hoạt động triển khai thông suốt, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc từ cấp Trung ương đến cơ sở. Hiệu quả hoạt động được nâng cao.
- Hiện nay và trong thời gian tới nhu cầu giải quyết trang chấp bằng hình thức hòa giải theo chiều hướng tăng lên. Đặt ra yêu cầu công tác dân vận trong hoạt động hòa giải cần tiếp tục nâng cao, phát huy hiệu quả hơn nữa.
Để thực hiện tốt công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đồng chí Lê Thành long yêu cầu: (1) Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân các cấp quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo và phối hợp tốt hơn nữa để cùng nhau thực hiện tốt kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải. Qua đó, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan.
(2) Ngành Tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đảm bảo có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa, biết vận dụng các kỹ năng hòa giải, kỹ năng dân vận khéo trong quá trình giải quyết các vụ, việc hòa giải cụ thể. Tăng cường công tác truyền thông về vai trò, vị trí, ý nghĩa công tác hòa giải, từ đó giúp người dân nhận thấy tính ưu việt, lợi ích của công tác hòa giải./.
PB