Bộ Tư pháp:
Ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp
Ngày 02/7/2020, Bộ Tư pháp có Quyết định số 1520/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
Luật Lý lịch tư pháp được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tùng bước vững chắc; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài; gắn việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cấp Phiếu lý lịch tư pháp; bước đầu góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được trong 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp; đánh giá sự phù hợp của Luật Lý lịch tư pháp với Hiến pháp năm 2013, sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Lý lịch tư pháp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019, các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam gia nhập hoặc là thành viên và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Luật Lý lịch tư pháp; tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp; trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp và tuyên dương, khen thưởng, khích lệ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lý lịch tư pháp.
Theo Kế hoạch nội dung tổng kết bao gồm: Kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp; Kết quả công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Kết quả công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đánh giá chung về kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện thể chế; xem xét, đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân xuất sắc…
Thời gian tổng kết là từ ngày 01/7/2010 (thời điểm Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực) đến ngày 30/6/2020 (thời điểm báo cáo 06 tháng năm 2020) với hình thức là tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng kết; Tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp; tổ chức khảo sát tình hình thi hành pháp luật về lý lịch tư pháp.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp tổ chức hoạt động tổng kết toàn quốc về thi hành Luật Lý lịch tư pháp, cụ thể: Xây dựng mẫu báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp; các biểu mẫu thống kê về các nội dung tổng kết, đánh giá để bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện cũng như bảo đảm được đúng mục đích, yêu cầu của việc tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp; hướng dẫn, đôn đốc hoạt động tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp ở các Bộ, ngành và địa phương. Thực hiện khảo sát tình hình thi hành pháp luật về Luật Lý lịch tư pháp tại một số địa phương (dự kiến khảo sát tại các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa). Xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn với hình thức phù hợp; hướng dẫn các sở, ngành có liên quan tổng kết thi hành Luật Lý lịch tư pháp; xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp gửi Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp tại địa phương. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc khen thưởng khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp tại địa phương./.
Phòng PBGDPL