Khai thác Tủ sách pháp luật gắn với hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4
Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại công văn số 751/BTP-PBGDPL ngày 10/3/2017 gửi các cơ quan, địa phương. Theo đó, sau khi đánh giá một số hạn chế của tình hình quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật hiện nay, Bộ Tư pháp đề ra một số giải pháp như sau:
Hình ảnh: minh họa
Tăng cường thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật trong công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ cơ sở; từ đó có hình thức, biện pháp phù hợp để thông tin, giới thiệu Tủ sách pháp luật. Rà soát, kiểm tra việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới định kỳ để cung cấp cho Tủ sách pháp luật; bảo đảm bổ sung sách có chất lượng, phù hợp nhu cầu của bạn đọc; hạn chế mua sách văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp pháp luật; tăng cường khai thác văn bản QPPL thông qua cơ sở dữ liệu pháp luật. Về địa điểm đặt Tủ sách pháp luật, phải đặt tại vị trí đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, quản lý. Tủ sách pháp luật cấp xã nên đặt tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã. Các cơ quan cần quan tâm, bố trí ngân sách nhà nước cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo quy định tại Điều 4 Quyết định 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và sử dụng hiệu quả kinh phí được cấp. Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo định kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật giữa Tủ sách pháp luật cấp xã với thư viện, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng… Quan tâm bố trí cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật có điều kiện về thời gian và kỹ năng, nghiệp vụ để quản lý, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn.
T.A