Hội Luật gia Việt Nam:
Triển khai nhiều chương trình, giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội
Ngày 30-12-2016, tại thành phố Cần Thơ, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và xây dựng chương trình, biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2017 với sự có mặt của lãnh đạo Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Trung ương hội và các đơn vị trực thuộc, đại diện một số ban ngành trung ương. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì hội nghị. Hội nghị được đón tiếp các vị đại biểu lãnh đạo thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố Cần Thơ và một số sở, ngành. Ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành uỷ thành phố Cần Thơ có bài phát biểu chào mừng hội nghị.
Báo cáo kết quả hoạt động hội năm 2016 và phưong hướng nhiệm vụ năm 2017 của Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao.
Năm 2016 tổ chức luật gia cả nước đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ công tác hội và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Về công tác tham gia xây dựng pháp luật, Trung ương hội đã tổ chức 23 cuộc tọa đàm góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời, để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ của những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và sẽ có hiệu lực vào năm 2017, ngay từ đầu năm, Hội đã tổ chức góp ý kiến hoàn thiện các kế hoạch triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật gửi đến các cơ quan có liên quan. Ở địa phương, các cấp hội theo kế hoạch công tác năm và yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã tham gia góp ý kiến vào nhiều dự thảo Luật quan trọng, tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành, các cấp ở địa phương. Trong năm, các cấp hội đã tổ chức được 458 hội nghị, đóng góp gần 8000 lượt ý kiến góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, các cấp hội còn tham gia công tác thẩm định, rà soát, kiểm tra 89.142 văn bản của các ngành, các cấp.
Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được chú trọng. Các cấp hội đã tổ chức nghiên cứu đánh giá việc thực hiện Nghị định 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị sửa đổi Nghị định cho phù hợp với tình hình thực tế. Hội đã thỏa thuận với Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thí điểm xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Bình, Quảng Ninh, Đồng Nai. Các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội đã triển khai thực hiện dự án Tư vấn pháp luật về hợp đồng hợp tác cho người nông dân dân tộc thiểu số tại một số tỉnh, tham gia chương trình “Nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam”, tổ chức Hội thảo “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nhiễm HIV của Việt Nam”.