Bữa cơm gia đình- Sợi chỉ hồng gắn kết yêu thương và hạnh phúc
Gia đình là tế bào của xã hội, hạnh phúc gia đình là điều mà bất cứ thành viên nào cũng mong muốn có được, để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, trọn vẹn và được bền lâu. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình lại luôn có những biến động, thay đổi khiến cho hạnh phúc không dễ để gìn giữ nếu như các thành viên không thường xuyên có ý thức vun đắp, củng cố nó. Mỗi khi nhắc tới “Hạnh phúc gia đình”chúng ta thường nghĩ và nói ra những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như: tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, ông bà...
Nhưng phải nói rằng, với những điều đó không sai, tuy nhiên có không ít người lại không nhận ra rằng hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua bữa cơm gia đình. Bữa cơm gia đình hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn kết yêu thương, sự quan tâm giữa các thành viên qua đó vun đắp, củng cố hạnh phúc gia đình.
Giữ lửa hạnh phúc qua bữa cơm gia đình
(Ảnh minh họa)
Người Việt có thói quen sau một ngày làm việc vất vả thường quay trở về mái nhà chung để quây quần bên nhau dùng bữa cơm chiều. Đó là lúc ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng ngồi bên mâm cơm thưởng thức những món ăn ưa thích do bà, mẹ nấu và vui vẻ kể chuyện học hành, công việc trong không khí ấm cúng và thân mật. Sợi chỉ hồng vô hình này đã gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhưng giờ đây trong guồng máy của xã hội đô thị các bữa cơm gia đình đang ngày càng thưa thớt hơn và ngày càng mờ nhạt khi cảnh “cơm hàng, cháo chợ” đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các gia đình. Trong xã hội đô thị hiện nay với nhịp sống nhanh, vội vàng, gấp gáp khiến các cá nhân cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó, do đó, thời gian dành cho công việc sẽ tăng lên, lẽ dĩ nhiên, khi thời gian dành cho công việc nhiều hơn thì thời gian dành cho các hoạt động cá nhân sẽ bị giảm xuống. Đó là yếu tố làm giảm sút đi việc tham gia vào các bữa cơm gia đình của các thành viên. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến hệ quả là sự tan rã của một bộ phận gia đình, bằng chứng minh họa rõ nét cho một phần lý do tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng cao trong các cặp vợ chồng ở đô thị, tệ nạn xã hội gia tăng ở thanh thiếu niên, cảnh chồng/vợ có các mối quan hệ ngoài hôn nhân.
Với những thực trạng đó, bữa cơm gia đình như là một “chất keo” kết dính các thành viên và qua những bữa cơm này các thành viên trong gia đình sẽ học được những cách ứng xử, sự chia sẻ, lắng nghe, tình yêu thương, …Không chỉ là nơi gia đình tụ họp ăn uống, mâm cơm còn chính là nơi thể hiện rõ nét văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt: “Ăn trông nồi, ngồi tr