Sở Tư pháp Khánh Hòa:
Tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn bản về công tác hòa giải.
Chiều 29/5, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng chí Trần Quang Bình – Phó giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí đánh giá cao dự thảo Thông tư liên tịch. Tuy dự thảo văn bản chỉ có 6 điều nhưng so với các văn bản pháp luật trước đây, dự thảo văn bản đã quy định cụ thể, chi tiết, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến việc lập và quản lý kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung để hoàn thiện dự thảo, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện sau khi Thông tư liên tịch được ban hành.
Về tên gọi dự thảo Thông tư liên tịch, có ý kiến đề nghị nên bổ sung và viết lại thành “Thông tư liên tịch Quy định nội dung chi, mức chi, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở” cho phù hợp với cấu trúc của văn bản dự thảo. Bởi vì nội dung dự thảo quy định rất rõ, Điều 3 quy định nội dung chi, và Điều 4 quy định mức chi.
Theo nhiều đại biểu, tại Điều 3 có nhiều điểm trùng lắp. Cụ thể như điểm a, e,i khoản 1 có trùng lắp, các đại biểu đề nghị cần sắp xếp lại thành 1 điểm hoặc nếu tách ra thì cần phải quy định rõ ràng để tránh trùng lắp. Tại điểm m khoản 1 điều 3 cần bỏ nội dung “Chi xây dựng các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Chương trình, Đề án, Kế hoạch.”, vì theo đại biểu này, hoạt động quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực đều cần xây dựng văn bản quản lý. Mặt khác, văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Chương trình, Đề án, Kế hoạch là loại văn bản cá biệt mà ngành, lĩnh vực nào cũng có và đặc biệt là không có quy định pháp luật nào về cấp kinh phí cho công tác này.
Tại điều 4 quy định về mức chi, có ý kiến đề nghị bổ sung Nghị định 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 vào đoạn 2 điểm b khoản 1, vì Nghị định 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Cũng tại điểm b khoản 1, các đại biểu đề nghị xem lại nội dung hỗ trợ tiền phương tiện đi lại theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng bởi theo quy định của dự thảo, nếu không thỏa thuận được với Sở Tài chính thì việc tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công tác hòa giải sẽ không thực hiện được. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Tại điểm o khoản 1, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ khi Hòa giải viên không phải là cán bộ, công chức xã, phường thì thực hiện như thế nào cho đúng? Đối với điểm q và điểm r, các đại biểu đánh giá đây là chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác hòa giải ở cơ sở, là điểm mới mà trước đây chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sẽ thực hiện như thế nào đối với trường hợp thu nhập bị giảm sút hoặc bị mất khi Hòa giải viên là những người sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng có nhiều khác nhau. Đối với quy định tại điểm s, u, v các đại biểu thống nhất đề nghị mức quy định như hiện tại là chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước, cần quy định rõ ràng theo hướng không quy định mức tối đa, mà quy định thẳng. Vì quy định mức tối đa sẽ tạo ra nhiều cách vận dụng khác nhau…
Sở sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh văn bản để gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch trước khi ban hành.
TGPL