Bộ Tài chính trao đổi về việc thu phí sử dụng đường bộ.
(Chinhphu.vn) – Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô, xe máy sẽ được thực hiện từ 1/1/2013. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến như liệu có bỏ các trạm thu phí, việc sử dụng khoản thu này ra sao, liệu có trường hợp phí chồng phí?…
Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 với các mức thu từ 130.000 – 1.040.000 đồng/tháng đối với ô tô và từ 50.000 – 150.000 đồng/năm đối với xe máy.
Phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư này là khá rộng, khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô.
Trong những ngày qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổng hợp một số băn khoăn, câu hỏi của dư luận nhân dân xung quanh vấn đề này, chuyển đến Bộ Tài chính giải đáp mối quan tâm của người dân như sau:
Thu phí theo đầu phương tiện - Ảnh minh họa
Thu phí theo đầu phương tiện có đảm bảo công bằng?
Có ý kiến cho rằng việc thu phí theo đầu phương tiện là không công bằng, xe chạy ít hay nhiều hoặc thậm chí không chạy vẫn phải đóng phí và có đề nghị thu phí qua xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, các phương án thu phí sử dụng đường bộ đều có ưu nhược điểm nhất định và khó có phương án nào đảm bảo công bằng tuyệt đối.
Trước đây đã thực hiện thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu (theo Nghị định số 186/CP ngày 7/12/1994 của Chính phủ về thu phí giao thông qua giá xăng dầu), nhưng do có nhiều bất cập như phải loại trừ xăng dầu dùng cho sản xuất, vận tải đường không, vận tải đường thuỷ,... Năm 2001, đã chuyển đổi sang phương thức thu phí qua trạm, tuy nhiên, theo phương thức này thì chỉ có xe qua trạm thu phí mới phải nộp phí nên cũng chưa đảm bảo công bằng.
Từ ưu, nhược điểm của các phương án nêu trên, tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP đã quy định thu phí theo đầu phương tiện, vì vậy, những quy định về phương thức thu phí của Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/NĐ-CP.