Ngày 20/3/2025, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch 623/KH-STP về chuyển đổi số năm 2025 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm
Kế hoạch hướng đến việc hiện đại hóa, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi: 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được công bố trực tuyến toàn trình và được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Duy trì 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử; 100% hồ sơ TTHC, hồ sơ công việc tại Sở Tư pháp được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin (HTTT) của Sở Tư pháp. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.

(Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2025)
Giải pháp triển khai
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Tư pháp đề ra nhiều giải pháp đồng bộ: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ: Triển khai hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ điện tử, giúp số hóa toàn bộ quy trình xử lý công việc; Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích, dự báo và hỗ trợ ra quyết định trong các lĩnh vực pháp lý; Phát triển hệ thống tư vấn pháp lý trực tuyến, cho phép người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác. Nâng cao chất lượng nhân lực và hạ tầng công nghệ: Đào tạo cán bộ, công chức về kỹ năng số và sử dụng công nghệ trong xử lý nghiệp vụ; Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, bảo mật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp: Phát triển các kênh giao tiếp đa nền tảng, bao gồm website, ứng dụng di động và chatbot để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi; Triển khai cơ chế phản hồi trực tuyến, giúp tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân một cách kịp thời.
Việc thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Khánh Hòa trở thành địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo stp.khanhhoa.gov.vn