Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã ký Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 12/01/2024 về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2024.
Ảnh: Hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới khu vực Nam Trung bộ năm 2023
Kế hoạch hướng tới mục tiêu tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đó, trong năm 2024, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL đến khi thông qua, ban hành văn bản QPPL.
Phạm vi thực hiện của kế hoạch gồm các vấn đề: truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL (gọi tắt là dự thảo chính sách); kế hoạch được triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, áp dụng đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau: các chính sách được ban hành trong các văn bản QPPL mà Luật ban hành văn bản QPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL trước khi tiến hành soạn thảo; tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; chính sách có tác động trên phạm vi toàn tỉnh. Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL…
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, các cơ quan, địa phương và Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch xây dựng văn bản QPPL và yêu cầu thực tiễn của tỉnh để chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ các Ban HĐND cùng cấp, công chức làm công tác pháp chế và tuyên truyền viên pháp luật về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách; tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn…để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật, luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cán bộ làm công tác thực tiễn và cán bộ làm công tác thực tiễn có liên quan đến chính sách tham gia đóng góp ý kiến; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; ứng dụng mạng xã hội và hình truyền thông phù hợp khác…
H.Dương