Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao với mức tăng trưởng bình quân khoảng 20%-30%/năm. Phạm vi bài viết xin nêu một số quy định về điều kiện kinh doanh và chế tài xử lý các hành vi vi phạm về thương mại điện tử.
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Điều 52 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương) quy định điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng như sau:
1. Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
2. Đã thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.
Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP) quy định điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như sau:
1. Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
2. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
a) Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;
b) Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ;
c) Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.
Hiện nay, các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử có thể kể đến như: thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ (Credit Card, Debit Card); thanh toán qua cổng thanh toán (là đơn vị trung gian xác minh danh tính người giao dịch như F@st MobiPay, Ngân Lượng, …); thanh toán bằng ví điện tử (người dùng tạo một tài khoản và nạp tiền vào như Momo, ViettelPay, ZaloPay, …); thanh toán bằng smartphone (điện thoại sử dụng dịch vụ liên kết với ngân hàng Mobile Banking); trả tiền mặt khi giao hàng; thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng.