Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật BHYT.
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở Y tế, Sở Tài chính và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khánh Hòa về tình hình triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh ngày 23-8-2012.
Người dân tham gia bảo hiểm y tế khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện BHYT trên địa bàn tỉnh, kết luận buổi làm việc, ông Lê Xuân Thân yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải nâng cao vai trò, vị trí của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Khánh Hòa trong việc thực hiện công tác BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chính sách về BHYT; tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng, cải tiến thủ tục khám chữa bệnh BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định, xử lý những tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT… Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Thân thống nhất với đề xuất của Bảo hiểm xã hội Khánh Hòa và Sở Tài chính về việc xem xét nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo. Theo đó, tỉnh sẽ xem xét việc nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo khu vực thành thị và nông thôn đồng bằng bằng 100% mệnh giá thẻ so với mức hỗ trợ hiện nay là 85%.
Theo BHXH Khánh Hòa, tính đến 30-7-2012, toàn tỉnh có 709.057 đối tượng đã tham gia BHYT, chiếm 62,67% tổng số đối tượng tham gia BHYT, trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 103.057, tỷ lệ tham gia 95%; người nghèo 84.963, tỷ lệ tham gia 100%; người cận nghèo 70.195, tỷ lệ tham gia 49,25%; học sinh, sinh viên 212.090, tỷ lệ tham gia 91,76%; doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể 70.594, tỷ lệ tham gia 69,87%; các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác 91.986, tỷ lệ tham gia 100%; các đối tượng tự nguyện 88.217, tỷ lệ tham gia 21,92%... Một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT chính là công tác truyền thông, tuyên truyền không được thực hiện thường xuyên, phương thức tuyên truyền chưa phù hợp, các sản phẩm tuyên truyền thiếu đa dạng, chưa có chiều sâu nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, hạn chế về khả năng đáp ứng, tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cũng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, làm cho người dân không tin tưởng vào chính sách BHYT, không muốn tham gia BHYT…
Tin và ảnh: QUANG MINH