Khánh Hòa:
Ban hành Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký Quyết định ban hành Đề án thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2/011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ tại các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Theo Đề án thì về tổ chức và biên chế của tổ chức pháp chế được quy định như sau:
- Bố trí cán bộ chuyên trách pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
- Đối với doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thì có thể tùy theo nhu cầu công tác cụ thể mà bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Về lộ trình, theo Đề án thì sau 2 năm thực hiện, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc thành lập phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 55/2/011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ.
Đề án cũng nêu rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan như sau:
- Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, Lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm: Thực hiện bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức pháp chế vào các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của đơn vị mình; Chỉ đạo tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế xây dựng Kế hoạch triển khai công tác pháp chế hàng năm báo cáo Sở Tư pháp; Chủ động thực hiện các biện pháp năng cao chất lượng công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị mình.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai Đề án đúng tiến độ, hiệu quả; kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án trước ngày 30/9 hàng năm; Phối hợp các ngành liên quan thực hiện tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác pháp chế; Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở địa phương.
- Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn, thẩm định phương án thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế cụ thể của từng cơ quan, doanh nghiệp; Tham mưu phân bổ biên chế công chức pháp chế theo quy định…
Theo thống kê, tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện chỉ có tổng cộng 13 cán bộ làm công tác pháp chế, kiêm nhiệm công tác thanh tra, văn phòng, tiếp dân, thi đua khen thưởng . . . ở các sở, ngành thuộc tỉnh. Do đó, các hoạt động chuyên môn của công tác pháp chế, theo qui định tại nghị định 55/2011/NĐ-CP đều chưa hoạt động hiệu quả với tư cách là một phòng chuyên môn tham mưu cho lãnh đạo sở về các hoạt động: xây dựng pháp luật; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy pháp pháp luật;công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác tham mưu pháp lý và tham gia tố tụng; công tác bồi thường nhà nước, công tác thi đua khen thưởng và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan phân công.
Đối với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác pháp chế tại những đơn vị này cũng thiếu thống nhất và chưa có sự hướng dẫn, chỉ đạo chung về chuyên môn nên thiếu hiệu quả.
Vì vậy, việc thành lập tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ là rất cần thiết để góp phần thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Hy vọng, với việc ban hành Đề án thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, thời gian tới, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác pháp chế cũng như các hoạt động chuyên môn của công tác pháp chế ở các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được nâng cao hơn trước, góp phần tích cực vào hiệu quả hoạt động của từng cơ quan.
Hải Dương