Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021
Chương trình được ban hành nhằm nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); phát huy trách nhiệm của Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, hướng về cơ sở.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân”.
Chương trình xác định 07 nhóm mục tiêu cụ thể, bao gồm: (i) Tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi về các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành với nội dung và hình thức phù hợp; (ii) Cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm được cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới ban hành theo chương trình học tập pháp luật bắt buộc; (iii) Cung cấp thông tin, tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy pháp luật; (iv) Các nhà trường triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa, các hoạt động ngoại khóa, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật; (v) Các nhóm đối tượng đặc thù được tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên biệt; (vi) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; (vii) Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu, kết quả đã đạt được của công tác PBGDPL thời gian qua, nhất là sau 03 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như kết quả tổng kết thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL giai đoạn 2011 - 2016 và những năm trước đó, đồng thời khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế và nguyên nhân từ thực tiễn, Chương trình đề ra 06 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: (i) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ và người dân trong PBGDPL; (ii) Tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đồng bộ Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; (iii) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL; (iv) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (v) Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; (vi) Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Chương trình cũng đề ra 06 nhóm giải pháp thực hiện, cụ thể là: (i) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; đề cao trách nhiệm, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của Thủ trưởng Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương; (ii) Nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân trong tuân thủ, chấp hành pháp luật, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; (iii) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; (iv) Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác PBGDPL; (v) Rà soát, chuẩn hóa nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập môn pháp luật, giáo dục công dân; (vi) Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin pháp luật để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên nguồn lực; kiểm tra, sơ kết, tổng kết.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành đã được giao chủ trì thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ); trách nhiệm của các Bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện một số Đề án về PBGDPL theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 (Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam) và trách nhiệm chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện một số Đề án mới của Chương trình (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an) trong giai đoạn 2017 - 2021.
Quyết định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối các hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, các Đề án về PBGDPL để tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp