Chỉ số hài lòng trung bình của toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 74,19%
Sáng 14-3-2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS 2015). Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, có 6 thủ tục hành chính (TTHC) được chọn để triển khai SIPAS 2015, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Cụ thể, SIPAS 2015 đánh giá 4 yếu tố cơ bản trong quá trình giải quyết công việc của từng TTHC, gồm: Tiếp cận dịch vụ, TTHC, công chức phục vụ, kết quả giải quyết. Tính đến tháng 12-2016, có 4 bộ và 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Kết quả khảo sát từ gần 12.000 người dân, doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, chất lượng đánh giá ở mỗi TTHC khác nhau, trung bình từ 73% - 89% người hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục. Trong đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ hài lòng thấp nhất; thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ hài lòng cao nhất.
Tại Khánh Hòa, từ năm 2015 – 2016, toàn tỉnh thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số hài lòng đối với 17 sở, 8 UBND cấp huyện, 6 lĩnh vực ngành dọc, 137 UBND cấp xã, 12 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, 137 trạm y tế cấp xã, 16 trường học. Riêng năm 2016, với quy mô điều tra 24.500 phiếu đánh giá từ người dân, tổ chức, kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng trung bình của toàn tỉnh chỉ đạt 74,19%, giảm 1,28% so với năm 2015 và chưa đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Nghiên cứu, xây dựng phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, giai đoạn 2016 – 2020; trên cơ sở đề án được phê duyệt, định kỳ hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại trong chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người và kinh phí để thực hiện công tác đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân, tổ chức về việc đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước…
Theo Cổng Thôn