Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa:
Tổ chức Hội nghị góp ý 2 dự án luật.
Ngày 03/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Đặng Đình Luyến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh HN góp ý 2 dự án Luật
Tại Hội nghị, đại biểu đã đóng góp sôi nổi vào nội dung của 2 dự án Luật. Đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu tập trung góp ý vào những nội dung: có nên cho phép người lao động nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn hay không; Tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập với số lượng tối thiểu là bao nhiêu lao động; Biên chế, chế độ của cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn như thế nào; Quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp. Theo nhiều đại biểu, vấn đề người lao động nước ngoài gia nhập tổ chức công đoàn là một vấn đề mới, cần xem xét, cân nhắc thấu đáo cũng như quy định chặt chẽ, chi tiết trước khi đưa vào luật. Bởi, theo dự thảo luật quy định, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam. Nếu họ (người lao động nước ngoài) hoạt động tốt, xuất sắc thì có được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam hay không; Và họ có nghĩa vụ “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” theo như quy định tại Điều 1 hay không? Các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng vấn đề gia nhập tổ chức công đoàn của người lao động nước ngoài nên quy định chặt chẽ, cụ thể trong Điều lệ nhằm vừa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài, vừa đáp ứng được công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công đoàn. Về vấn đề đình công, đại biểu rất băn khoăn khi quy định của dự thảo Luật này cũng như dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không có điểm mới, sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục tổ chức đình công. Việc hầu hết các cuộc đình công xảy ra trong thời gian qua đều bất hợp pháp là do quy định của Luật còn rườm rà, thủ tục nhiêu khê, khó thực hiện. Đại biểu cũng mong muốn Quốc hội sớm sửa đổi các quy định về đình công theo hướng đơn giản, dễ thực hiện để người lao động có thể thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn trong doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị nên có quy định cụ thể nhằm hạn chế việc kiêm nhiệm, tạo hành lang pháp lý đảm bảo để cán bộ công đoàn có tiếng nói độc lập với giới chủ, bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Hội nghị cũng thống nhất cao về việc để Điều lệ quy định các vấn đề như: số lượng người lao động tối thiểu trong doanh nghiệp để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng Luật chỉ nên quy định nguyên tắc chung, còn số lượng cụ thể sẽ do có thể linh hoạt trong vận dụng.