Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng tầm chuẩn mực của hệ thống văn bản pháp luật.
Có lẽ đó là mong muốn của nhà tổ chức sự kiện và cũng là điểm hướng tới của các đại biểu tham dự.
Sự kiện được tổ chức là Tọa đàm “Những quy định mới về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” do Chi hội luật gia Văn phòng Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đăng cai tổ chức tại Nha Trang ngày 10-10-2016.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22-6-2015, có hiệu lực từ ngày 01-7-2016, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Với thành phần tham dự Tọa đàm là các luật gia đại diện các hội cấp huyện, các chi hội trực thuộc Tỉnh hội, các chi hội tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các đại biểu được nghe ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chủ trì cuộc Tọa đàm trình bày một số nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gợi mở một số vấn đề trọng tâm trao đổi tại hội nghị, chủ yếu về hoạt động ban hành văn bản của các cấp chính quyền địa phương là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật những năm qua trên địa bàn tỉnh, các vướng mắc và giải pháp để tổ chức thực hiện Luật trong thời gian tới ... Hội nghị được nghe các tham luận chuyên sâu của Chi hội luật gia Sở Tư pháp, Chi hội luật gia Trường Chính trị tỉnh, Hội Luật gia thị xã Ninh Hòa và nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu dự họp.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Những bất cập, hạn chế trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới tác động của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 đã được nhiều đại biểu nhìn nhận. Trong đó nổi lên là chất lượng khá nhiều văn bản pháp luật còn hạn chế, tính khả thi, hiệu lực thi hành của văn bản chưa cao, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để, việc tuân thủ trình tự, thủ tục nhất là với khâu thẩm định còn lỏng lẻo ... Mặt khác, sự tồn tại song song hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với một số quy định “vênh” nhau như khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, hình thức văn bản, quy trình xây dựng, hiệu lực văn bản … đã gây khó khăn trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.