Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2016
Đề cao trách nhiệm bộ trưởng
Nghị định 123/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ 15/10/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, nêu rõ: tổ chức bộ máy của bộ được thực hiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Hoạt động của bộ phải được công khai, minh bạch, hiện đại hóa; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bộ, bộ trưởng.
Nghị định cũng nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm của bộ trưởng trong mọi hoạt động của bộ, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Tiền lương của Viettel phải công khai
Nghị định 121/2016 của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10, trong đó các quy định trên được thực hiện từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2020, nêu rõ: Chính phủ thí điểm cho phép Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương) trong giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011-2015 khi đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.
Viettel có trách nhiệm nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.
Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Nghị định nêu rõ, quy chế trả lương được xây dựng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.