Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Khánh Hòa:
Tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn bản về công tác trợ giúp pháp lý.
Triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, ngày 06/12/2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo văn bản liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý. Ông Huỳnh Duy Thương – Giám đốc Trung tâm chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện Phòng Hành chính – Tổng hợp trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ trang phục đối với Trợ giúp viên pháp lý (cụ thể hóa quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định 14/2013/NĐ-CP) và dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo (cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg), các cán bộ, viên chức của Trung tâm đã sôi nổi trao đổi, thảo luận các điều khoản quy định trong 2 dự thảo. Các ý kiến tham dự Hội nghị cơ bản thống nhất nhận xét: nội dung quy định trong 2 văn bản dự thảo được xây dựng tương đối chi tiết, chặt chẽ và phù hợp với các văn bản liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung thêm để hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành.
Đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ trang phục đối với Trợ giúp viên pháp lý, có một số ý kiến sau: Tại điểm 1 khoản 1 Điều 2 có quy định “Quần áo thu đông (Từ Thừa Thiên Huế trở ra)”; Số lượng: “01 bộ”; Niên hạn sử dụng: “02 năm (lần đầu 02 bộ)”. Ý kiến góp ý cho rằng để thể hiện tính chuyên nghiệp, thống nhất của tổ chức trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong các Hội nghị mang tính toàn quốc, đề nghị bổ sung trang phục thu đông cho Trợ giúp viên thuộc các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, nhưng số lượng cấp phát có tính đến yếu tố khí hậu vùng miền. Cụ thể, nội dung này cần sửa lại là “Quần áo thu đông:+ Từ Thiên Thiên Huế trở ra; Số lượng: “01 bộ”; Niên hạn sử dụng: “02 năm (lần đầu 02 bộ)”;+ Từ Đà Nẵng trở vào; Số lượng: “01 bộ”; Niên hạn sử dụng: “02 năm (lần đầu 01 bộ)”.
Cũng tại Điều 2, điểm 6 khoản 1 có quy định “Cặp đựng tài liệu ; Số lượng “01 chiếc”; Niên hạn sử dụng “03 năm”. Các đại biểu cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, bình thường 01 chiếc cặp đựng tài liệu chỉ sử dụng tối đa 02 năm là hư hỏng, cho nên nội dung trên cần chỉnh sửa lại “Cặp đựng tài liệu ; Số lượng “01 chiếc”; Niên hạn sử dụng “02 năm”.
Với đặc thù của công tác trợ giúp pháp lý thường xuyên đi cơ sở thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, chủ yếu là bằng xe gắn máy nên việc trang bị mũ bảo hiểm là rất cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho Trợ giúp viên pháp lý khi đi trên đường, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp. Tương tự, việc trang bị mũ kê-pi cho Trợ giúp viên pháp lý để sử dụng khi tham dự Hội nghị, làm việc ngoài trụ sở thể hiện tính thống nhất, trang trọng, chính quy của ngành. Do đó, tại khoản 1, Điều 2 cần bố sung thêm điểm 7 “Mũ bảo hiểm” Số lượng “01 cái”; Niên hạn sử dụng “01 năm” và điểm 8 “ Mũ kê- pi” Số lượng “01 cái”; Niên hạn sử dụng “02 năm”.
Đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, có ý kiến cho rằng đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của dự thảo (Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý) là chưa đầy đủ, do đó cần chỉnh sửa lại như sau: “Sở Tư pháp; Trung tâm trợ giúp pháp lý và các cá nhân tổ chức có liên quan”. Về các nội dung khác của dự thảo, các ý kiến đều thống nhất cao.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Huỳnh Duy Thương ghi nhận các ý kiến đóng góp của cán bộ viên chức vào 2 văn bản dự thảo và giao Phòng Hành chính – Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu văn bản báo cáo Sở Tư pháp.
Đặng Hữu