Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 890/KH-UBND ngày 20/01/2025 về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2025.
Ảnh minh họa: người dân thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai Khánh Hòa
Nội dung của Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; thực hiện nghiêm quy định về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các quy địnhvề PCTNTC và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà hoặc có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện; nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân; công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân, địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNTC, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật…
Đ.H