Đây là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp tại Hội nghị giao ban công tác tư pháp cấp huyện Quý III-2024 được tổ chức vào chiều ngày 15/10/2024. Dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thuộc Sở; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp của 8/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở chủ trì Hội nghị
Đại biểu phát biểu ý kiến trao đổi
Theo báo cáo, 9 tháng qua, ngành Tư pháp Khánh Hòa đã tiếp tục thể hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu về mặt thể chế cho UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Chất lượng các mặt công tác ngày càng được nâng cao, đạt hiệu quả cao, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể:
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, số lượng văn bản QPPL được ban hành trong 9 tháng đầu năm gồm 113 văn bản (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023), (cấp tỉnh: 21 quyết định; 10 nghị quyết; Cấp huyện: 62 quyết định; cấp xã: 20 quyết định). Công tác thẩm định, góp ý văn bản, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 43 trường hợp gồm: 05 hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết; 38 dự thảo nghị quyết, quyết định; thực hiện góp ý 198 văn bản (tăng 98% so với cùng kỳ năm trước). Trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC), Sở đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng chuyên sâu về xử phạt VPHC năm 2024 cho hơn 500 đại biểu đang tham mưu, thực hiện công tác xử lý VPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; tham mưu kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại 02 Sở và 02 huyện; tiến hành kiểm tra tại 03 đơn vị cấp Sở và 01 huyện về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 02 Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới (phổ biến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) cho cán bộ lãnh đạo theo hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến tới cấp huyện, cấp xã cho gần 500 cán bộ chủ chốt. Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng PBGDPL tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các sở, ban, ngành; tổ chức 02 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho già làng, trưởng thôn, hòa giải viên ở cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Đặc biệt, Sở tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu quy định của Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 20.000 lượt thí sinh tham gia thi; trong Quý III, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức các cuộc thi trực tuyến (“Tìm hiểu quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa). Thời gian qua, Sở thường xuyên với các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa tin, bài về hoạt động PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về công tác hộ tịch, Sở đã kiểm tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực và nuôi con nuôi tại huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Sở đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch và đăng ký hộ tịch trực tuyến được các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch chú trọng quan tâm, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh.
Đối với công tác số hóa dữ liệu hộ tịch, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành số hóa và chuyển chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử - Bộ Tư pháp 1.461.170 dữ liệu; Toàn tỉnh đã khai thác Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử cấp được 127.562 bản sao trích lục hộ tịch (trong đó, có 4.983 bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi đăng ký/nơi cư trú của người yêu cầu), góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ở cấp huyện, đã đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 104 trường hợp (tăng 10,64% so với cùng kỳ năm 2023), khai tử có yếu tố nước ngoài 30 trường hợp, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 150 cặp; Cấp xã đăng ký khai sinh 12.272 trường hợp, đăng ký lại khai sinh 1.213 trường hợp, khai tử 6.251 trường hợp, đăng ký kết hôn 5.206 cặp.
Về cấp phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP), từ ngày 04/5/2024, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện việc rút ngắn thời gian cấp phiếu LLTP đối với hồ sơ trực tuyến: giảm thời hạn giải quyết từ 10 ngày làm việc xuống còn 08 ngày làm việc đối với trường hợp công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên chỉ cư trú tại tỉnh Khánh Hòa khi nộp hồ sơ trực tuyến; giảm thời hạn giải quyết từ 15 ngày làm việc xuống còn 13 ngày làm việc đối với trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích nộp hồ sơ trực tuyến. Việc nộp hồ sơ trực tuyến giúp rút ngắn thời gian hẹn trả kết quả cho công dân và làm tăng mức độ hài lòng của công dân đối với sự phục vụ của Sở Tư pháp.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đạt nhiều kết quả rất tích cực. Từ đầu năm, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai xử lý thông tin LLTP năm 2024 với mục tiêu đề ra là xử lý toàn bộ khoảng 50.000 thông tin LLTP còn tồn đọng. Kết quả, hiện nay đã lập LLTP và cập nhật bổ sung: 63.361 thông tin, đạt 126,7% chỉ tiêu kế hoạch năm (vượt chỉ tiêu 13.361 thông tin); phê duyệt thông tin xử lý và gửi thông tin cho TTLLTPQG: 53.665 thông tin (đạt 84,7% chỉ tiêu kế hoạch năm); lưu trữ hồ sơ theo mã LLTP: 31.995 hồ sơ (đạt 64% chỉ tiêu kế hoạch năm). Từ đầu năm đến nay đã đã thụ lý: 14.042 hồ sơ (tăng 33,58% so cùng kỳ); giải quyết sớm - đúng hạn: 12.946 hồ sơ (tăng 27,65%); đang giải quyết: 1.092 hồ sơ...
Công tác quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước, bán đấu giá tài sản, công chứng, trợ giúp pháp lý, luật sư…hoạt động ổn định, nề nếp.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Sở đã giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp nhận định: thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, toàn ngành cần nỗ lực không ngừng, tập trung mọi nguồn nhân lực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các chương trình; phấn đấu hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch công tác năm 2024.
H.Dương