Ngày 27-9, Sở Tư pháp phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác đăng ký biện pháp bảo đảm (ĐKBPBĐ). Tham dự hội nghị có gần 300 đại biểu là đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành nghề công chứng, chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và chi nhánh tại các huyện, thị xã, thành phố; công chức tư pháp – hộ tịch trong toàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Văn Khánh–Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
- Đồng chí Đặng Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị
- Đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc tại Hội nghị
- Đại biểu dự Hội nghị
- Báo cáo viên truyền đạt các nội dung tập huấn
- Đại biểu trao đổi, nêu các vướng mắc trong thực tiễn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Khánh –Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: hoạt động ĐKBPBĐ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm thông qua việc công khai, minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm. Hội nghị này nhằm trang bị một số kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các Luật mới có liên quan đến bất động sản; thống nhất nhận thức để thực hiện đúng và có hiệu quả các quy định pháp luật trong hoạt động ĐKBPBĐ; qua đó, nhằm giúp thực hiện giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện và đúng pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về ĐKBPBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giới thiệu, truyền đạt những nội dung chính của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và truyền đạt một số kỹ năng cần lưu ý khi thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cụ thể là các vấn đề như áp dụng pháp luật và áp dụng thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, việc áp dụng pháp luật trong thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các Luật khác liên quan có quy định đặc thù; chủ thể trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với trường hợp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình…; nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, vật có vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định, giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi, tài sản hình thành từ việc góp vốn; xác lập thực hiện hợp đồng bảo đảm; biện pháp bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm...
Bên cạnh đó, các đại biểu dự tập huấn đã trao đổi, thảo luận về những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong hoạt động ĐKBPBĐ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục ĐKBPBĐ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như thay đổi bên nhận bảo đảm, bên yêu cầu đăng ký bảo đảm; việc xóa, hủy ĐKBPBĐ khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tài sản trên đất đang bị xử phạt vi phạm hành chính có được ĐKBPBĐ đối với quyền sử dụng đất hay không; việc xử lý tài sản đảm bảo do một người đứng tên (tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân); thời điểm có hiệu lực của việc ĐKBPBĐ...Những thắc mắc của đại biểu đã được đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trực tiếp giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời, giúp cho các đại biểu có cách hiểu đúng, chính xác để áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo việc ĐKBPBĐ được thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của pháp luật.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các đại biểu được cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật, hiểu và nắm vững quy định pháp luật về giải quyết hồ sơ ĐKBPBĐ để áp dụng vào thực tế công tác tại đơn vị mình; qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
H.Dương