Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước. Để người dân có thể tiếp cận thông tin và thụ hưởng dịch vụ TGPL kịp thời thì trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thông tin giải thích và giới thiệu về TGPL là rất cần thiết để nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc TGPL của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quyền của người được TGPL theo quy định của pháp luật
Người được TGPL có các quyền được quy định tại Điều 8 Luật TGPL năm 2017 như:
- Được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện TGPL hoặc phải từ chối thực hiện TGPL theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Luật TGPL năm 2017.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giới thiệu TGPL
Trong những năm qua, để thực hiện tốt Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp và địa phương đã ban hành rất nhiều các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở địa phương trong việc giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước được quy định đầy đủ, cụ thể:
Tại Điều 42 của Luật TGPL năm 2017 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan: “Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích về quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL”.
Cụ thể hóa quy định của Luật TGPL năm 2017, tại khoản 12 Điều 2 của Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý quy định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này”.
(ảnh minh họa)
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp (công văn số 1234/BTP ngày 04/4/2023) về việc hướng dẫn triển khai nội dung trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, ngày 30/5/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 5275/UBND-NC về việc triển khai nội dung trợ giúp pháp lý Theo đó, yêu cầu các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: “Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu người được TGPL đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của Luật TGPL”.
Như vậy, các văn bản trên đều quy định chi tiết, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị (Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hành nghề luật sư...) khi phát hiện công dân là người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng thuộc diện người được TGPL được quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 thì phải giải thích quyền được TGPL cho công dân, giới thiệu họ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Trung tâm sẽ tiếp nhận thông tin từ các cơ quan, đơn vị và thực hiện TGPL miễn phí cho người dân. Tuy nhiên thời gian qua, số lượng người được TGPL mà các cơ quan, đơn vị trên giới thiệu cho Trung tâm còn thấp, đa số do các cơ quan tố tụng như Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân giới thiệu dẫn đến một số người dân thuộc diện được TGPL còn chưa được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước.
Tin tưởng thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp giới thiệu người được TGPL để Trung tâm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng, đảm bảo 100% người dân thuộc đối tượng được TGPL khi có yêu cầu./.
Trợ giúp pháp lý