Ngày 27/11/2023 vừa qua, Bộ Tư pháp và Bộ Công an ban hành văn bản số 5789/CTPH-BTP-BCA về Chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Phạm vi thực hiện trên toàn quốc gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm); Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ công an, Trại tạm giam công an cấp tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện và Công an cấp xã với hình thức trực chủ yếu là trực qua điện thoại.
Chương trình đề ra, căn cứ vào điều kiện nguồn nhân lực, Trung tâm bố trí người trực là Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trực 24/24 giờ. Trung tâm sẽ gửi danh sách, số điện thoại người trực, số điện thoại người hỗ trợ trực, số điện thoại của Trung tâm cho cơ quan công an trước ngày bắt đầu trực ít nhất 05 ngày làm việc.
(Ảnh: Người dân nghe buổi tuyên truyền Luật TGPL của Trung tâm- Minh họa)
Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực:
- Đối với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã: Khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) hoặc do họ tự nhận là người thuộc diện được TGPL thì gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.
- Đối với người trực, sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được TGPL hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ TGPL. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được TGPL hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động TGPL; Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp quy định bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được TGPL. Việc gặp để kiểm tra diện người được TGPL được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam và pháp luật về TGPL…
Trợ giúp pháp lý