Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp
Ngày 03/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký Quyết định số 2659/QĐ-BTP về việc ban hành bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện nổi bật tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ngành và yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện về phẩm chất nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp gắn liền với đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm công tác của Ngành Tư pháp, được quán triệt và thực hiện thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành. Bản Chuẩn mực là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp và là tiêu chí để bộ, công chức, viên chức của Ngành rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện nổi bật và súc tích các chuẩn mực về lòng trung thành, phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn liền với đặc trưng nhiệm vụ của Ngành; về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Ngành trong quan hệ với nhân dân; về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp; về phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần nêu gương thực hiện. Nội dung cụ thể Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp như sau:
1. Về chuẩn mực thứ nhất: Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia đấu tranh về mặt pháp lý nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
- Bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức, tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thực hiện công tác tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Nắm vững, góp phần thể chế hóa bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tuân thủ, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp.