Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền con người tại tỉnh Khánh Hòa, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người, vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 2842/KH-UBND ngày 27/3/2023 về Triển khai đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam, thông tin việc xử lý các đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ vi phạm pháp luật Việt Nam, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến nội dung Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp. Tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người; theo dõi, tổng hợp dư luận, báo chí, tuyền thông về tình hình bảo vệ, đấu tranh về quyền con người liên quan đến cơ quan, địa phương; phân công nhân sự thực hiện trách nhiệm phát ngôn giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương thực hiện cung cấp, cập nhật thông tin về công tác nhân quyền, vấn đề tôn trọng, bảo đảm quyền con người trên cổng/trang thông tin điện tử, trang fanpage trên mang xã hội của cơ quan, đơn vị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về nhân quyền. Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ, đề án truyền thông liên quan đến quyền con người hiện hành để tích hợp, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có nhiệm vụ truyền thông về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng…
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ phụ trách công tác nhân quyền, truyền thông cơ sở, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể; triển khai xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (phóng sự phát thanh, kịch truyền thanh, tiểu phẩm, video…) để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử và các loại hình thông tin cơ sở khác…Đặc biệt, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa được giao trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường tin, bài về công tác nhân quyền, quyền con người, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về nhân quyền.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại, phóng viên, biên tập viên báo chí…tổ chức triển lãm các nội dung về quyền con người theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết sau 03 năm thực hiện và tổ chức Hội nghị tổng kết sau 05 năm thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
H.D