Ngày 08/02/2023 UBND tỉnh đã bann hành Quyết định số 266/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Quy chế gồm 3 chương, 23 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo quy chế, công tác phối hợp phải bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất nguyên tắc hành chính trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật để hoàn thành đúng tiến độ và đúng pháp luật các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị, bảo đảm việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, trách nhiệm bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả được thuận lợi, kịp thời và đúng quy định.
Ảnh minh họa
Quy chế quy định 02 nội dung phối hợp, gồm: trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và trong giải quyết yêu cầu bồi thường. Cụ thể, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có các hoạt động sau: Xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường nhà nước; Bố trí công chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm làm công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm sự ổn định thực hiện nhiệm vụ này; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước; Xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước; Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước; Theo dõi công tác bồi thường nhà nước; Đôn đốc công tác bồi thường nhà nước; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý; Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật TNBTCNN năm 2017 mà không ra quyết định hủy; Báo cáo thống kê công tác bồi thường nhà nước.
Công tác phối hợp trong giải quyết yêu cầu bồi thường gồm có các hoạt động: Xác minh thiệt hại; Thương lượng bồi thường; Chi trả tiền bồi thường; Xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Về hình thức phối hợp, Quy chế nêu rõ có các hình thức sau: phối hợp bằng văn bản; bằng hình thức tổ chức cuộc họp liên ngành; thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành để kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước cùng các hình thức phù hợp khác…
H.Dương